image bannerimage bannerimage banner
NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền:

- Làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương sáp nhập các thôn, khu phố; sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương trên.

- Làm cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thông suốt về nhận thức tư tưởng, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện; tạo sự nhất trí, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các địa phương trực tiếp triển khai chủ trương sáp nhập các thôn, khu phố.

- Công tác tuyên truyền phải đóng góp tích cực vào việc tạo sự thống nhất tư tưởng, hành động và phản ánh trung thực, sinh động, theo sát lộ trình, yêu cầu, nhiệm vụ của việc sáp nhập các thôn, khu phố và việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương.

          2. Sự cần thiết phải sáp nhập thôn, khu phố:

Thôn, bản (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã; khu phố được tổ chức ở phường, thị trấn. Thôn, khu phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Trong những năm qua, các thôn, khu phố đã tổ chức thực hiện tốt các nội dung hoạt động theo quy định của pháp luật([1]) như: Tổ chức cho cộng đồng dân cư tham gia bàn bạc, biểu quyết, góp ý kiến hoặc quyết định trực tiếp một số công việc thuộc trách nhiệm của cộng đồng dân cư; Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, khu phố; Tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; Phòng, chống các tệ nạn xã hội; Tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, khu phố;... qua đó, thể hiện vai trò quan trọng của tổ chức tự quản, thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của phát luật và phát huy truyền thống tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Trung ương về tiêu chuẩn quy mô số hộ gia đình ở thôn, khu phố thì một số thôn, khu phố trong tỉnh có quy mô số hộ gia đình tương đối nhỏ nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống phúc lợi công cộng và duy trì cơ cấu tổ chức các chức danh không chuyên trách ở thôn, khu phố; điều này gây lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, có nhiều công trình phúc lợi khác cần tập trung vốn đầu tư.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; trong đó đề ra mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xác định mục tiêu cụ thể là “đến năm 2021 sắp xếp giảm số lượng các thôn, khu phố, đến năm 2030 các thôn, khu phố đạt theo tiêu chuẩn quy định. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 30/01/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó xác định: “Xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố ở những nơi chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và có điều kiện phù hợp để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tăng cường các nguồn lực của địa phương”.

Ngày 03/12/2018, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; trong đó quy định cụ thể về điều kiện quy mô số hộ gia đình ở thôn, khu phố và định hướng sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ điều kiện về quy mô số hộ gia đình theo quy định.

Do đó, việc sắp xếp lại các thôn, khu phố, thực hiện sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ điều kiện về quy mô số hộ gia đình nhưng có vị trí địa lý liền kề, địa hình không bị chia cắt, tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo,... để thành lập một thôn, khu phố mới có quy mô số hộ gia đình phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn tại các địa phương là thật sự cần thiết.

3. Số lượng thôn, khu phố ở huyện Bắc Bình chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định:

3.1. Đối với thôn:

Toàn huyện có 66 thôn; trong đó, thôn có số hộ dân nhiều nhất là 927 hộ (thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình); thôn có số hộ dân ít nhất là 98 hộ (thôn Hồng Thịnh, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình).

Đối chiếu với tiêu chuẩn về quy mô số hộ/thôn theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ thì:

- Có 43/66 thôn đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 65,15%;

- Có 21/66 thôn đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 31,82%;

- Có 2/66 thôn chưa đạt 50% tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 3,03%, gồm:

+ Thôn Hồng Thạnh (117 hộ), thôn Hồng Thịnh (98 hộ), xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình.

3.2. Đối với khu phố:

Toàn huyện có 10 khu phố; trong đó, khu phố có số hộ dân nhiều nhất là 862 hộ (khu phố Xuân An 2, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình); khu phố có số hộ dân ít nhất là 148 hộ, (khu phố Bắc Sơn, thị trấn Lươgn Sơn, huyện Bắc Bình).

Đối chiếu với tiêu chuẩn về quy mô số hộ/khu phố theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ thì:

- Có 08/10 khu phố đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 80%;

- Có 01/10 khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 10%.

- Có 01/10 khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 10%, gồm:

+ Khu phố Bắc Sơn (148 hộ), thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình.

4. Các thôn dự kiến thực hiện sáp nhập:

4.1. Đối với 03 thôn, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn:

Thực hiện sáp nhập 02 thôn chưa đạt 50% tiêu chuẩn: Sáp nhập Thôn Hồng Thạnh (117 hộ) và Thôn Hồng Thịnh (98 hộ) xã Hồng Phong thành thôn mới có quy mô 215 hộ.

4.2. Đối với 22 thôn, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn:

Thực hiện sáp nhập 06 thôn đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn:

+ Sáp nhập Thôn Cầu Vượt (138 hộ) và Thôn Hòn Móc (131 hộ), xã Sông Bình để thành lập thôn mới có quy mô 269 hộ.

+ Sáp nhập Thôn Láng Xéo (253 hộ) và Thôn Bình Phụ (143 hộ), xã Sông Bình để thành lập thôn mới có quy mô 396 hộ.

+ Sáp nhập Thôn Sông Bằng (129 hộ) và Thôn Đá Trắng (220 hộ), xã Sông Bình để thành lập thôn mới có quy mô 349 hộ.

5. Quy trình sáp nhập thôn, khu phố:

- Bước 1: UBND cấp xã xây dựng Đề án sáp nhập thôn, khu phố;

- Bước 2: UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sáp nhập thôn, khu phố;

- Bước 3: UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp thông qua Đề án sáp nhập thôn, khu phố;

- Bước 4: UBND cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ, trình UBND cấp huyện;

- Bước 5: UBND cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Sở Nội vụ thẩm định;

- Bước 6: Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về sáp nhập các thôn, khu phố để thành lập các thôn mới trên địa bàn huyện Bắc Bình.

6. Các nguyên tắc bảo đảm khi thực hiện sáp nhập thôn, khu phố:

- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đề cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sáp nhập thôn, khu phố.

- Khi thực hiện sáp nhập thôn, khu phố phải bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân thông qua việc lấy ý kiến của cử tri; phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư.

7. Tác động của việc thực hiện sáp nhập thôn, khu phố:

7.1. Tác động tích cực:

- Việc sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ điều kiện về quy mô số hộ gia đình sẽ tinh gọn bộ máy người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; tiết kiệm ngân sách nhà nước chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi trả phụ cấp cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố.

- Các thôn, khu phố sau khi sáp nhập sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình, giảm thiểu số lượng thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

7.2. Tác động tiêu cực:

- Công tác tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố mới có khó khăn hơn do sau khi sáp nhập địa bàn được mở rộng, có các yếu tố dân tộc, tôn giáo, truyền thống văn hóa riêng biệt,...

- Quá trình sắp xếp sẽ có tác động đến tổ chức, cá nhân, hộ gia đình do phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị cũ sang đơn vị mới.

Trên đây là nội dung thông tin về chủ trương sáp nhập các thôn, khu phố ở huyện Bắc Bình trong giai đoạn 2019 - 2021./.



[1] Theo Điều 5 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ.

TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Tham quan Hồ Cà Giây
  • Cung đường Bàu Trắng
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang