Sức lan tỏa từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi huyện Bắc Bình phát triển mạnh. Qua phong trào đã giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.

         Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2017 – 2022 luôn được UBND huyện và Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong huyện tiếp tục xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ nét, bộ mặt nông thôn khởi sắc, giữ vững an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.     

Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn dư nợ cho hội viên, nông dân vay 2.572 tỷ đồng/ 15.995 hộ vay, tăng 125,52 tỷ đồng so với năm 2017; dư nợ nguồn vốn Ngân hành Chính sách xã hội huyện là 413,979 tỷ đồng/2.458 hộ vay, tăng 36,758 tỷ đồng so với năm 2017.  Nhờ các nguồn vốn trên, nhiều hộ nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, có thêm việc làm và có nhiều hộ từ khó khăn vươn lên, thoát được nghèo và làm giàu, đã bình chọn và tôn vinh 6.920 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó 02 hộ đạt cấp Trung ương, 63 hộ đạt cấp tỉnh, 400 hộ đạt cấp huyện, 6.455 hộ đạt cấp cơ sở.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được Ông Bùi Văn Tri, tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo Ý  áp dụng thiết kế các ao nuôi tôm nổi cùng hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh. Để duy trì môi trường nuôi sạch cho tôm, dẫn chúng tôi tham quan các khu xử lý nước, khu ương nuôi, tất cả được thiết kế theo một tỷ lệ hợp lý và quy trình khép kín. Đáng chú ý, hệ thống Biogas được ứng dụng để xử lý phân tôm và các chất thải từ hố Siphon, giúp trả lại nguồn nước sạch, tránh ô nhiễm môi trường; nguồn khí được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Không giữ bí quyết cho riêng mình, Công ty TNHH Bảo Ý chia sẻ, hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu học tập. Ban đầu, gia đình anh Võ Hoàng Việt cũng dè dặt, không dám nuôi tôm công nghệ cao. Một phần vì chi phí làm ao, bạt lót, hệ thống oxy, đầu tư 2 dàn quạt, máy cho ăn, lưới lan che mát tốn khá nhiều tiền, nhưng thấy Công ty TNHH Bảo Ý thực hiện mô hình CPF Combine hiệu quả cao. Gia đình anh mạnh dạn áp dụng, bước đầu cho thu nhập cao.

Theo quy trình kỹ thuật nuôi mới, tôm nuôi qua nhiều giai đoạn. trong quá trình nuôi có ứng dụng các thiết bị, máy móc để kiểm tra chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so cách nuôi truyền thống. Tôm nuôi được cho ăn bằng máy.  Với công nghệ này, đã khai thác và sử dụng được tiềm năng diện tích đất và mặt nước để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo niềm tin về một tương lai phát triển bền vững cho nuôi trồng thủy sản trên đại bàn huyện ta.

Trên diện tích hơn 2.000m², gia đình ông Nguyễn Văn Luận, xã Hồng Phong  đầu tư gần 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi dông. Để tránh con dông đào hang thoát ra ngoài, chuồng nuôi được xây tường gạch cao gần một mét bao quanh, bên dưới nền đổ một lớp xi măng mỏng. Trong chuồng nuôi đắp gò cát, trồng cây xanh tạo không gian cho con dông chạy nhảy, đào hang.thông thường dông rất sợ tiếng động.

Con dông dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu có sẵn ở địa phương, có thể tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như rau, khoai lang, đu đủ, bí đỏ….  Dông nuôi trong chuồng sinh sản nhanh, mau lớn, tỉ lệ dông sống đạt 95%.      Hiện nay Xã Hồng Phong  có 22 hộ nuôi dông thương phẩm trên diện tích 8,5 ha, thu nhập trung bình từ 300 đến 400 triệu đồng /năm. Với bán ổn định dao động từ 600.000 đến 700.000 đồng/kg, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm, nên đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nuôi dông. Theo đó, Hội nông dân Xã Hồng Phong thành lập tổ nghề nghiệp  nuôi dông gồm 12 thành viên, với diện tích 7 ha  để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng mô hình cũng như mở rộng thị trường đầu ra cho các hộ nông dân đồng thời xây dựng sản phẩm đặc thù ở địa phương trong tương lai.

         Dẫn chúng tôi tham quan vườn mai kiểng, ông Trần Văn Minh, xã Phan Tiến chia sẻ kinh nghiệm : “ Mai vàng là loại cây kiểng đặc trưng vùng đất Nam bộ. Trồng và chăm sóc mai không phức tạp. Toàn bộ vườn mai được tôi bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc vi sinh để cây sống bền. Ðể có một gốc mai vừa ý, bán được giá, phải tốn thời gian và công sức chăm sóc. Ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh còn cần chú ý yếu tố thời tiết, khí hậu, nhu cầu của người tiêu dùng… để có chế độ chăm sóc hợp lý”.

         Bằng sự cần cù, nhạy bén và chịu khó nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, gần 10  năm qua, ông Minh đã gầy dựng cho mình vườn mai cảnh có giá trị lớn. Đến nay, “gia tài” của ông đã có hơn 1.000 gốc mai các loại như  mai thường, mai tứ quý,…  vườn mai đã mang đến cho gia đình ông nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vào các dịp Tết, ông bán  mai với giá  từ 1,5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/chậu cho khách từ trong và ngoài địa phương như thành phố Phan Thiết, thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Lương Sơn.... Riêng dịp Tết Nguyên đán 2022, ông  có thu nhập trên 300 triệu đồng từ vườn mai kiểng.

         Trên lĩnh vực trồng trọt kết hợp kinh doanh, thương mại, dịch vụ có 4.535 hộ thực hiện đạt hiệu quả, Điển hình như : Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp  nuôi chim yến của ông Lê Quang Lâm, xã Phan Rí Thành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đến nay, gia đình có tổng số nhà nuôi chim yến trị giá hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra,  gia đình còn duy trì, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chăm sóc vườn thanh long. với tổng diện tích đất hơn 2 ha, trong đó có 2 nhà yến, gần 2.000 trụ thanh long, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

         Mô hình kinh tế trang trại chủ yếu là trên lĩnh vực chăn nuôi cơ bản giữ ổn định, có sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có sự kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 27 trang trại; trong đó 07 trang trại chăn nuôi heo tập trung, 17 trang trại chăn nuôi gà, 01 trang trại chăn nuôi vịt tập trung, 02 trang trại Bò.  Đa số các chủ trang trại đều được công nhận là hộ nông dân SXKDG cấp huyện, tỉnh và Trung ương; các mô hình này đã góp phần phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý ở nông thôn. Như hộ Trần Thị Hoa,  xã Hòa Thắng, năm 2021, gia đình bắt đầu nuôi 10 con heo thịt, đến nay đàn heo phát triển lên trên 100 con lớn nhỏ, ngoài ra, gia đình chăn nuôi thêm gần 20 con bò, thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng.

         Đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 27 HTX còn hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó 18 HTX/NN thành lập và hoạt động Luật HTX năm 2012.

         Đất trồng lúa tiếp tục sử dụng linh hoạt hiệu quả, chỉ đạo thời vụ sản xuất kịp thời, hợp lý, tăng cường đầu tư thâm canh chọn giống mới, tổng sản lượng lương thực hàng năm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2017 đến nay việc triển khai, thực hiện chuyển đổi giống lúa mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết chuỗi giá trị được hình thành, tính đến cuối năm 2021, diện tích chuyển đổi sản xuất giống lúa mới 14.768 ha/37.087 ha, đạt 39,81%; trong đó hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch hơn 620 ha; nhiều loại giống lúa mới có đặc tính sinh học bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cũng như khả năng chịu hạn, sức đề kháng sâu bệnh hại và cho năng suất, chất lượng tốt hơn các giống lúa truyền thống, góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp  thân thiện với môi trường.

         Thăm mô hình trồng chuối của gia đình ông Thổ Bởi, xã Phan Hòa.  Theo ông Bởi, chuối trồng khoảng tám tháng có thể thu hoạch bắp chuối và một năm sẽ thu hoạch buồng và nải chuối. Từ năm thứ hai trở đi, cây mẹ đẻ cây con, Cũng theo ông , ưu điểm của cây chuối là sản lượng tăng hàng năm và rất dễ trồng, trồng chuối có ưu điểm như đầu tư ít vốn, đỡ công chăm sóc, một năm chỉ bón hai lần phân chuồng để tạo góc cây phát triển, chuối ít bị sâu bệnh, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, có thu nhập thường xuyên và giá cả ổn định. Đặc biệt, ngoài giá trị từ buồng chuối, bắp chuối, lá chuối, thân chuối có thể bán ra thị trường, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…. trên diện tích 3 ha, ông kết hợp chăn nuôi, đào ao nuôi cá… mô hình sản xuất này đã đem về cho ông thu nhập ổn định, riêng mô hình chuối đem về hơn 100 triệu đồng / ha/năm với giá bán 18- 20.000 đồng/ nải chuối.

          Mô hình trồng chuối mô của anh Lê Chí Hùng, xã Phan Lâm trên diện tích 3 ha đến nay  đạt hiệu quả, năm 2021, anh  trồng  gần 9.000 cây, sau  9 tháng anh thu hoạch trên  100 tấn, anh  lãi trên 500 triệu đồng/năm.

         Anh Lê Minh Hùng, xã Phan Lâm thành công bước đầu với mô hình trồng mít thái siêu sớm, với 1000 cây trên diện tích hơn 1 ha.

         Năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng, xã Bình An  đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 200 cây tre lấy măng tại vườn nhà.  hơn 2 sào đất vườn, Đến nay, diện tích tre giống đã phát triển thành những bụi tre xanh tốt. tre phát triển tốt, kỹ thuật rất dễ, không có sâu bệnh, với giá bán dao động từ 15 đến 20.000 đồng/ký, cho thu nhập ổn định.

         Ông  Mã Mãn Xuân, xã Hồng Phong thành công bước đầu với mô hình trồng thanh nhãn với quy mô 1,200 cây, sau 2 năm thanh nhãn cho thu hoạch ổn định, với giá bán 150.000 ký,  ông  lãi hàng tỷ đồng.

Ghé thăm vườn bưởi da xanh ruột đỏ trồng xen xoài, mít của ông Nguyễn Văn Thơm, xã Sông Bình. 500 gốc bưởi  được trồng cách đây 6 năm giờ chi chít trái với giá bán 35.000 đồng thương lái mua sạt vườn, nên gia đình rất phấn khởi.

Cũng như ông Thơm, ông Nguyễn Văn Xuân, xã Bình An cũng vui mừng khi vườn táo  đang sum xuê trái, báo hiệu một mùa bội thu.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc, xã Hòa Thắng cũng đã thành công với mô hình trồng hành,  với gia bán hành lá 18 đến 20 ngàn/ ký, 20 – 25 ngàn đồng/ky hành củ, cho gia đình thu nhập ổn định.

         Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.    Đã thu hút 2.976 nông dân vào Hội, nâng tổng số hội viên lên 18.038 người.

         Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững  cấp huyện phấn đấu đạt các chỉ tiêu như : Hàng năm, có 100% cơ sở Hội phát động đến 100% hội viên, nông dân; có 80% hộ nông dân đăng ký và trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi các cấp; Hàng năm tổ chức tập huấn hoặc phối hợp tập huấn cho trên 70% hội viên nông dân về kiến thức khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; Phấn đấu góp phần giảm hộ nghèo hàng năm dưới 1%/năm;  Góp phần nâng cao mức sống nông dân đến năm 2027 đạt bình quân 3.500- 3.600USD/người; Góp phần tích cực xây dựng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2027.

         Có thể nói, những thành quả đạt được của hội viên nông dân  giai đoạn 2017 – 2022 rất đáng phấn khởi. Không những góp phần tăng thu nhập, mà  còn đảm bảo cho việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Từ đó, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá đi lên trong giai đoạn tới.

Chung Diễm

TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Tham quan Hồ Cà Giây
  • Cung đường Bàu Trắng
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !