image bannerimage bannerimage banner
Hiệu quả mô hình nuôi dông ở xã Hồng Phong

Những năm qua, Mô hình nuôi dông ở xã Hồng Phong phát huy hiệu quả đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nông dân nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Trên diện tích hơn 2.000m², gia đình chị Lê Thị Huyền Mai, thôn Thanh Thịnh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi dông. Để tránh con dông đào hang thoát ra ngoài, chuồng nuôi của gia đình được xây tường gạch cao gần một mét bao quanh, Trong chuồng nuôi đắp gò cát, trồng cây xanh tạo không gian cho con dông chạy nhảy, đào hang. Đưa tôi ra vườn, chị Mai dặn: “Phải đi thật khẽ, nếu không dông trốn hết vào hang”. Đúng như lời chị, khi chúng  tôi vừa chạm tới bức tường rào, thì hơn 1.000 con dông lớn, nhỏ bỏ chạy, chui tọt vào hang. 

Chị Mai cho biết, con dông dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu có sẵn ở địa phương, có thể tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như rau, khoai lang, đu đủ…. Con dông nuôi trong chuồng sinh sản nhanh, mau lớn, tỉ lệ dông sống khi nuôi trong chuồng đạt 95%. Hiện tại, gia đình chị nuôi trên 1.000 con dông lớn nhỏ, với giá bán dao động  từ 600.000 - 700.000 đồng/kg dông thịt. Sau khi trừ chi phí lãi hơn 40 triệu đồng/năm.

Một trong những hộ điển hình nuôi dông trên cát bền vững ở xã Hồng Phong là hộ ông Huỳnh Nô, thôn Thanh Thịnh cho hay: chi phí đầu tư ban đầu để xây chuồng và con giống từ 50 - 60 triệu đồng/1.000m². So với dê, thỏ, con dông dễ nuôi hơn nhiều bởi nuôi dông chỉ đầu tư một lần đầu về chuồng trại và con giống. Sau đó, người nuôi vừa bán dông thịt vừa tự nhân con giống để nuôi trong nhiều năm. Dông sinh sản nhanh, mau lớn và ít bị bệnh nên không cần chăm sóc nhiều. Thức ăn cho dông dễ kiếm, người dân có thể tận dụng mua rau quả rồi thả vào quanh chuồng để dông tự tìm ăn”, ông Nô cho biết thêm.

Hiện nay, xã Hồng Phong có 52 hộ nuôi dông thương phẩm trên diện tích 8,5 ha, thu nhập trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/ năm, Với bán ổn định trên dưới 600.000 đồng/kg, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm, nên đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ con dông.

Theo chị Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch hội Nông dân xã Hồng Phong  cho biết, thời gian tới, hội nông dân xã Hồng Phong có kế hoạch thành lập tổ nghề nghiệp chăn nuôi dông để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng mô hình cũng như mở rộng thị trường đầu ra cho các hộ nông dân. Đồng thời, xây dựng sản phẩm đặc thù ở địa phương trong tương lai.  

Có thể thấy rằng, mô hình nuôi con dông ở xã Hồng Phong thời gian qua đem lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển mới, bảo đảm đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Chung Diễm

TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Tham quan Hồ Cà Giây
  • Cung đường Bàu Trắng
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang