1. Điều kiện tự nhiên Văn hóa – Xã hội của huyện Bắc Bình
Bắc Bình là huyện miền núi, có diện tích 186.576,62 ha, nằm về phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận. Phía Đông giáp huyện Tuy Phong; phía Tây giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; phía Nam giáp thành phố Phan Thiết và Biển Đông; phía Bắc giáp huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Địa hình phân ra 04 vùng: miền núi, trung du, đồng bằng và vùng đồi cát ven biển.
Với dân số 132.230 người, Bắc Bình là nơi chung sống của 25 dân tộc anh em gồm: Kinh, Chăm, Hoa, Tày, Rắc-lây, K’ho, Nùng, Ngái, Gia rai, Mường, Khơ me, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Thái, Mơ Nông, Chơ Ro, Chu Ru, Thổ, Tà Ôi, Cơ Lao, Hrê, Xtiêng, Kmú, Co.
Hiện nay Bắc Bình có 16 xã gồm Bình Tân, Sông Lũy, Sông Bình, Hồng Phong, Hòa Thắng, Phan Thanh, Hồng Thái, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Rí Thành, Hải Ninh, Bình An, Phan Điền, Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn và hai thị trấn Chợ Lầu (thị trấn huyện lỵ) và Lương Sơn
2. Quá trình hình thành
Thời phong kiến, địa danh Bắc Bình có nhiều tên gọi khác nhau như: Trấn Thuận Thành, dinh Bình Thuận, phủ Hòa Đa. Nơi đây có thời kỳ là trung tâm chính trị của phủ Hòa Đa.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, vùng đất Bắc Bình nhiều lần thay đổi tên gọi. Có lúc mảnh đất này tồn tại song song hai hệ thống tên gọi hành chính khác nhau: hệ thống tên gọi hành chính của chính quyền Ngô Đình Diệm và hệ thống hành chính của chính quyền cách mạng.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, chính quyền cách mạng bỏ phủ Hòa Đa, lập huyện Hòa Đa và huyện Phan Lý. Tháng 4/1951, huyện Bắc Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập các huyện: Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong. Tháng 11/1951, huyện Phan Lý được tách thành một đơn vị hành chính riêng, huyện Bắc Bình còn lại Hòa Đa và Tuy Phong.
Năm 1966, ta chính thức thành lập huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong thành 03 đơn vị hành chính riêng.
Tháng 01 năm 1967 đến năm 1968, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, ta lập tỉnh Bắc Bình gồm các huyện: Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong và K67. Đến tháng 8 năm 1968, ta giải thể tỉnh Bắc Bình. Các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận, K67 thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 12/1974, ta tách Hải Ninh khỏi Phan Lý, lập Ban cán sự Hải Ninh thành đơn vị hành chính riêng thuộc tỉnh Bình Thuận quản lý.
Tháng 4/1976, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lập huyện Bắc Bình gồm các huyện: Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong, Hải Ninh nhập lại thuộc tỉnh Thuận Hải quản lý.
Thực hiện Quyết định số 204-HĐBT, ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Thuận Hải, theo Điều I của Quyết định này, chia huyện Bắc Bình thành huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình. Huyện Bắc Bình (mới) có 15 xã là Phan Hòa, Phan Rí Thành, Chợ Lầu, Hồng Thái, Phan Thanh, Phan Hiệp, Lương Sơn, Bình Tân, Sông Lũy, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Hải Ninh, Hòa Thắng và xã Hồng Phong từ huyện Hàm Thuận chuyển qua. Trụ sở huyện đóng tại xã Hải Ninh. Về chính quyền, ngày 30/5/1983, tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình, Hội nghị Hội đồng nhân dân huyện khóa III tiến hành kỳ họp thứ 6 với 42 đại biểu tham dự. Tại Hội nghị này, Hội đồng nhân dân huyện Bắc Bình (cũ) khóa III đã thông qua nghị quyết chia tách thành Hội đồng nhân dân 2 huyện mới, trong đó Hội đồng nhân dân huyện Bắc Bình (mới) khoá III gồm có 30 đại biểu, đồng thời Hội nghị công bố các quyết định của Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh về nhân sự Ủy ban nhân dân 2 huyện. Đến ngày 01/6/1983, huyện Bắc Bình sau khi chia tách chính thức đi vào hoạt động.
Mảnh đất và con người Bắc Bình đã có hơn 300 năm xây dựng và phát triển. Đây là nơi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bao cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa. Những khó khăn, thử thách đó đã hun đúc nên bề dày truyền thống và bản sắc của con người Bắc Bình về ý chí chiến đấu và truyền thống đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước, về truyền thống đoàn kết keo sơn của các dân tộc trong huyện, về truyền thống cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương.