image bannerimage bannerimage banner
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN XÃ PHAN ĐIỀN

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Phan Điền là xã dân tộc miền núi nằm ở phía Đông Bắc cách trung tâm của huyện Bắc Bình 8 km, với diện tích tự nhiên là 11.255,00 ha và có vị trí như sau:

            Phía Bắc giáp xã Phan Lâm và xã Phong Phú của huyện Tuy Phong.

            Phía Nam giáp xã Phan Hòa, Hải Ninh và Phan Hiệp.

            Phía Đông giáp huyện Tuy Phong.

            Phía Tây giáp xã Hải Ninh, Bình An và Phan Lâm.

1.2. Địa hình, địa mạo

Xã có địa hình không bằng phẳng với nhiều đồi núi, khu vực phía bắc xã có độ dốc lớn (> 200) chiếm diện tích 90,00% diện tích tự nhiên toàn xã, diện tích còn lại có độ dốc từ 0 - 80. Độ cao trung bình của xã là 500 - 600 m.

Do lượng mưa tập trung với địa hình đồi núi có độ dốc lớn là nguyên nhân chính gây ra xói mòn, thoái hóa đất đai và khó khăn trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa và nông sản.

1.3. Khí hậu

Khí hậu xã mang tính chất nóng ẩm và khô hạn, phân thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến cuối tháng 10 và mùa nắng từ tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hằng năm là 818 mm/năm. Số ngày mưa là 77 ngày/năm. Thời tiết ổn định ít biến động và hầu như không có bão lụt và gió lốc. Nhiệt độ trung bình năm từ 250 - 270

Gió: Từ tháng 5 đến tháng 9 hướng gió Tây Nam có tốc độ trung bình là 2-3 m/s, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau có hướng gió động bắc với tốc độ trung bình 4,7 m/s. Bốc hơi cao từ 1.350-1.400 mm/năm, gần gấp 2 lần lượng mưa. Số giờ nắng từ 2.800-2.900 giờ/năm. Độ ẩm không khí: 75 - 80%.

Vào mùa khô các con suối và ao hồ có trữ lượng ít làm hạn chế nguồn nước cho địa phương trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Một số năm gần đây tình hình thời tiết vùng núi này diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của nông dân, giảm năng xuất nhiều loại cây trồng.

Đặc điểm khí hậu của xã là nhiệt đới gió mùa, khô, nóng, nắng nhiều, mưa ít…

1.4. Thuỷ văn

Xã có 2 con suối là suối Măng và suối Tầm Ru bắt nguồn từ dãy núi phía Bắc. Các con suối chính có tổng chiều dài là 10 km. Lượng nước này chảy vào 3 đập nhỏ của xã và đập Măng và Đập Mới I và II. Các đập này là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân trong xã.

Mùa khô các con suối cạn nước, nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ 1 giếng nước công cộng khoan ở gần suối.

2. Các nguồn tài nguyên

2.1. Tài nguyên đất

Trên cơ sở kế thừa bản đồ đất của xã chúng tôi đã khảo sát thực tế và thành lập bản đồ đất xã Phan Điền tỷ lệ 1/25.000. Trên địa bàn xã chỉ có 1 loại đất chính là đất xám, được phân làm 2 đơn vị đất cấp 2 là đất xám trên phù sa cổ và đất xám vàng trên đá phiếm sa.

Nhìn chung nhóm đất xám được hình thành trên đá mẹ giàu thạch anh, nghèo kiềm, kiềm thổ và sắt nhôm như đá granit, đá cát hoặc hình thành trên mẫu chất phù sa cổ. Loại đất này nằm ở vị trí trung gian giữa vùng đồng bằng phù sa và vùng đồi thấp. Đất chua, có tầng đất tương đối dày, nghèo chất dinh dưỡng. Nhóm đất xám trên phù sa cổ tập trung khu vực đồng bằng phía nam xã và nhóm đất xám trên đá phiếm sa tập trung ở vùng đồi núi phía bắc xã.

Nguồn nước mặt chính phục vụ cho sản xuất chủ yếu là từ 2 con suối: Suối Măng và suối Tầm Ru, hệ thống suối này có lưu lượng nhỏ, thường cạn nước vào mùa mưa và bắt nguồn từ vùng rừng núi phía Bắc có lưu lượng tuy nhỏ nhưng khá ổn định. Do đó trong tương lai cần duy trì chất lượng của rừng và xây các đập dâng thì việc tưới tiêu của xã phần nào được giải quyết.

Tuy nguồn nước ngầm chưa được điều tra nhưng qua thực tế sử dụng cho thấy nguồn nước ngầm có chất lượng thấp, thường bị nhiễm mặn và phân bố không đồng đều.

2.2. Tài nguyên rừng:

Theo kết quả thống kê đất đai năm 2011 toàn xã có 10.193,82 ha đất lâm nghiệp, chiếm 90,57% tổng diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là rừng phòng hộ. Rừng Phan Điền là loại rừng khộp với loại cây chủ yếu là họ dầu có trữ lượng gỗ khoảng 860.000 m3.

Công tác bảo vệ rừng được triển khai khá tích cực và hoạt động thường xuyên nhưng vẫn còn tồn tại một số phần tử lén lút, cố tình khai thác rừng trái phép bằng nhiều hình thức khác nhau. Do lực lượng kiểm lâm mỏng và địa bàn rộng nên vẫn còn một số đối tượng phá rừng chưa triệt phá được. Xã cũng đã thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ quản lý. Công tác này đã góp phần hạn chế phá rừng trong những năm gần đây.

Nhìn chung, tài nguyên rừng của xã Phan Điền có tác đông lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, về chất lượng rừng còn khá phong phú và đa dạng. Độ che phủ hiện nay tính cả cây lâu năm của xã Phan Điền là 91,74%.

2.3. Tài nguyên khoáng sản

Qua kết quả khảo sát điều tra của các ngành chức năng cho thấy xã Phan Điền hiện có mỏ đá xây dựng ở Đồi Pá có diện tích khoảng 2,93 ha, cát sỏi bồi nền ở Đồi Pá diện tích khoảng 3,25 ha có chất lượng khá tốt.

Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Phan Điền là không nhiều, chủ yếu là khoáng sản thông thường và ít có giá trị khai thác công nghiệp.

2.4. Tài nguyên nhân văn

Phan Điền là nơi hội tụ của các dân tộc anh em bao gồm: Racglay, K.ho, Tày, Kinh, Mường và Chăm. Các dân tộc luôn kề vai sát cánh với nhau, đồng thời năng động sáng tạo, có ý thức tự lực tự cường khắc phục khó khăn, thừa kế và phát huy kinh nghiệm. Đây thực sự là thế mạnh lớn đưa Phan Điền phát triển trong tương lai.

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, các sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán vẫn được các dân tộc giữ gìn và phát triển.

Cộng đồng các dân tộc đã hình thành nên một nền văn hoá đa dạng, phong phú và có những nét độc đáo riêng. Văn hoá cổ truyền của các dân tộc thể hiện sự giàu có, đa dạng của kho tàng văn hoá dân gian được sáng tạo lưu truyền bảo tồn cho đến ngày nay.

3. Thực trạng môi trường

3.1. Cảnh quan

Xã có địa hình bán sơn địa, có đập Đồng Măng và thác Tầm Ru với dòng suối Tầm Ru chảy từ núi cao len lõi qua các tảng đá Granít tạo nên cảnh quan ven suối rất đẹp. Không khí ít bị ô nhiễm đây là vị trí rất thuận lợi để nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Việc này góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ thương mại đồng thời là động lực thúc đẩy ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển.

3.2. Môi trường

Là một xã nông nghiệp, dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Từ năm 1982, nhờ xây dựng 03 đập: đập Đồng Măng, đập Mới I và II cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kênh mương dần được bê tông hóa cung cấp nước tưới đã từng bước nâng cao năng suất cây trồng trong sản xuất.

Trên địa bàn xã có 2 cánh đồng lớn là đồng Măng và đồng Khai hoang. Do thiếu nước tưới và thiếu kinh nghiệm sản xuất nên diện tích đất khai hoang còn nhiều. Thảm thực vật kém phát triển chủ yếu là các lùm cây bụi. Điều này càng làm tăng khả năng bốc hơi nước, làm cho vấn đề khô hạn thêm trầm trọng hơn. Vào mùa nắng khí hậu rất nóng còn mùa mưa thì dễ xảy ra lũ lụt do khả năng giữ nước của đất kém. Bên cạnh đó, vào mùa khô người dân thường đốt rừng lấy than, việc này làm giảm đáng kể trữ lượng rừng.

 

TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Tham quan Hồ Cà Giây
  • Cung đường Bàu Trắng
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang